Mua nhà đất với người thân và những quy tắc nên nắm rõ

Tôi làm công việc kế toán, rất cần không gian yên tĩnh vì thỉnh thoảng phải mang cả việc về nhà. Nhưng từ ngày về đây, tôi gần như không làm được việc


Sau khi chuyển về ngôi nhà mình mua chưa đầy một năm, anh Bảo (Tp.HCM) đã cảm thấy mệt mỏi vì nhà quá đông người, lúc nào cũng ầm ĩ náo nhiệt.

Dưới đây là câu chuyện mua nhà mà anh Duy Bảo, 32 tuổi, đang sống tại Tp.HCM chia sẻ:

Cuối năm ngoái, vợ chồng tôi, vợ chồng anh trai và bố mẹ cùng góp tiền mua chung một ngôi nhà trên mảnh đất 52m2. Ngôi nhà xây một trệt, ba lầu trong một con hẻm xe hơi trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú có giá 2,3 tỷ. Vợ chồng tôi và vợ chồng anh trai mỗi nhà góp 450 triệu, số tiền còn lại bố mẹ tôi đóng góp.

Thời gian trước đó, cả nhà tôi thuê mấy phòng trọ gần nhau tại quận Tân Bình, sống cạnh nhau mấy năm rất vui vẻ. Bố tôi làm việc ở Sài Gòn đã khoảng 20 năm, từ trước khi tôi thi đỗ đại học. Sau này, khi tôi và anh trai cùng xin được việc ở thành phố này thì mẹ tôi cùng bé út cũng lên nốt. Khi tôi và anh trai cưới vợ, hai gia đình tiếp tục thuê phòng trọ gần bố mẹ ở cho vui. Năm ngoái, ông cậu sống ở nước ngoài biếu bố mẹ tôi một khoản tiền nên ông bà cũng bán luôn nhà dưới Vĩnh Long rồi rủ gia đình tôi và anh trai góp thêm tiền mua chung một ngôi nhà tại Sài Gòn.

Lúc đó, cả tôi và anh trai đang có ý định đặt cọc mua trả góp một căn hộ chung cư bình dân diện tích khoảng 60m2, giá gần một tỷ ở Bình Tân. Nhưng bố tôi không thích ở chung cư vì ông không muốn có người khác sống trên đầu mình. Còn hai anh em tôi cũng muốn sống gần nhau và gần bố mẹ, lúc đó chúng tôi cũng thấy góp tiền mua chung nhà, vừa đỡ tốn tiền mà vẫn được ở rộng (một tầng trừ cầu thang, ban công cũng còn khoảng 45m2) nên đã thống nhất góp tiền. Thế nhưng bây giờ tôi bắt đầu cảm thấy mình đã sai lầm khi mua chung nhà.
góp tiền mua nhà
Việc góp tiền mua nhà đất với người thân khiến anh Bảo không được quyền định đoạt tài sản của mình. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngôi nhà chúng tôi mua vốn là nhà xây sẵn. Tầng trệt bố trí phòng khách và bếp, cả nhà dùng chung. Lầu một gồm hai phòng cho bố mẹ tôi và cậu em út ở. Lầu hai cũng chia hai phòng là của gia đình nhà tôi gồm vợ chồng và một đứa con, còn lầu ba là của gia đình anh hai.

Từ khi ở chung, đại gia đình chúng tôi chưa xảy ra mâu thuẫn gì lớn. Những bất đồng nho nhỏ chẳng hạn mẹ tôi lau nhà xong, bọn con hay cháu lại đi dép bẩn vào thì trước đây vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, nếu trước đây chúng tôi dù sao cũng có sự tự do nhất định khi các phòng trọ tách biệt nhau thì nay, mẹ tôi mắng con anh trai, tôi cũng được nghe ké. Rồi ai muốn đi đâu cũng phải qua phòng khách tầng trệt, muốn nấu ăn cũng đều phải xuống bếp chung (các gia đều đình ăn riêng, chỉ ăn chung vào cuối tuần).

Tôi làm công việc kế toán, rất cần không gian yên tĩnh vì thỉnh thoảng phải mang cả việc về nhà. Nhưng từ ngày về đây, tôi gần như không làm được việc ở nhà vì trong nhà quá đông người. Mặc dù cửa phòng đã được đóng kín nhưng tôi vẫn nghe thấy những âm thanh bên ngoài. Tôi lại là người rất thính ngủ nên nửa đêm chỉ cần ai mở cửa sắt dưới tầng trệt là tôi bị thức giấc. Thậm chí những lúc gia đình anh tôi làm gì ầm ĩ trên lầu tôi cũng thấy đau đầu. Từ khi có nhà mới, bố mẹ tôi còn đón rất nhiều khách đến chơi. Bố tôi còn sắm được bộ loa đài và hay rủ rê mọi người hát hò. Có những ngày chẳng phải cuối tuần nhưng ông và mấy người hàng xóm vẫn hát đến 10h.

Chưa kể, dù được tiếng là nhà mình mua (tôi cũng có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng không ít lần tôi có cảm giác giống như đang ở nhờ nhà bố mẹ. Bố tôi là người rất gia trưởng, ông nói gì là vợ con phải nghe theo. Ngay cả việc muốn thay cánh cửa sổ phòng của tôi ông cũng can thiệp.

Đặc biệt, do đứng tên chung trong sổ đỏ nên việc gì liên quan đến giấy tờ đều rất khó khăn. Chẳng hạn, đợt vừa rồi tôi muốn mượn ngân hàng ít tiền để góp vốn cùng bạn bè đánh hàng từ Campuchia về buôn bán nhưng bố và anh trai tôi không đồng ý cho tôi mượn sổ đỏ đi thế chấp.

Bây giờ tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã góp tiền mua chung nhà. Tôi muốn có một tài sản của riêng mình và được quyền tự định đoạt nó. Tôi cũng từng thổ lộ ý định muốn ra ở riêng với vợ, vợ tôi tỏ ra rất hào hứng. Trước khi quyết định mua chung nhà tôi cũng chỉ thông báo với vợ, dù đồng ý nhưng cô ấy không hào hứng như bây giờ.

Có điều tôi đang phân vân không biết bố mẹ sẽ phản ứng ra sao nếu tôi quyết định ra ở riêng. Lại còn khoản tiền tôi góp mua chung nhà với gia đình cũng không biết phải xử lý thế nào cho hợp lý vì tôi biết bố mẹ và anh trai tôi hiện tại cũng không có tiền.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *